Menu

Hiệu quả cao từ mô hình nuôi heo rừng theo công nghệ sinh học

Chăn nuôi heo ở nước ta đang phải đối mặt với những vấn đề ô nhiễm môi trường không khí và nước, làm phát sinh các tác hại cho môi trường và người chăn nuôi cụ thể như: Mùi hôi, khí độc và ruồi muỗi; Phát sinh dịch bệnh; Chi phí thuốc thú y lớn , lạm dụng của thuốc kháng sinh; Tốn nước, tốn nhân công xử lý chất thải; Động vật nuôi chậm lớn, chi phí thức ăn cao; Hiệu quả kinh tế thấp; Chất lượng thịt kém; Ảnh hưởng đến sức khỏe của con người….

Ngày nay, con người mới thực sự quan tâm đến sự tác động trực tiếp của môi trường ô nhiễm, đã làm ảnh hưởng đến sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh, làm giảm sự sinh trưởng phát triển và khả năng sinh sản, tăng tiêu tốn thức ăn trong chăn nuôi…Vấn đề vệ sinh môi trường chăn nuôi có liên quan chặt chẽ đến vấn đề thải phân và nước tiểu của động vật nuôi. Xử lý các chất thải này được người chăn nuôi thực hiện hàng ngày với cách làm truyền thống như quét dọn, tẩy rửa, thu gom phân vào bể biogas, hố ủ hay sử dụng độn lót chuồng có định kỳ bổ sung hoặc thay thế độn lót… Việc xử lý này không những tốn nhiều công sức và cả tiền của mà còn không thể xử lý triệt để môi trường, sự ô nhiễm vẫn còn nặng ảnh hưởng đến con vật, người chăn nuôi và khu dân cư. Việc sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý phân và làm giảm mùi hôi chỉ là việc làm nhất thời, không giải quyết tận gốc của vấn đề.

Làm sao để có thể xử lý phân, chất thải chăn nuôi một cách triệt để tạo môi trường trong sạch có lợi cho sự sinh trưởng phát triển của con vật, giảm được tỷ lệ mắc bệnh và đem lại các lợi ích khác nữa mà không phải tốn tiền và nhân công, không phải thực hiện hàng ngày ? Câu hỏi này đã được giải đáp, đó là nghiên cứu sản xuất chế phẩm vi sinh dùng để tạo đệm lót lên men trong chăn nuôi.

Vì vậy, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật thuật trong chăn nuôi nhằm phòng bệnh, tăng năng suất, chất lượng vật nuôi đang dược nhiều địa phương và các trang trại đẩy mạnh thực hiện, trong đó có tỉnh Bà rịa – Vũng tàu. Từ năm 2013 đến nay, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh BRVT đã tiến hành đầu tư nhiều mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học cho heo, gà và sử dụng thức ăn men ủ vi sinh hoạt tính. Việc sử dụng thức ăn lên men hoặc men tiêu hóa kết hợp trên nền đệm lót sinh học sẽ có tác dụng: Giảm thải phân và độ hôi của phân, giảm chi phí thức ăn, giảm tỷ lệ mắc bệnh, kéo dài tuổi thọ của đệm lót tăng hiệu quả kinh tế.

Hiện nay, việc chăn nuôi để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng là vấn đề nổi cộm, bức xúc đã và đang được cộng đồng quan tâm. Các vấn đề về cấm sử dụng chất cấm và lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi là cả một quá trình được hoàn thiện phải trải qua nhiều giai đoạn, khâu trung gian cần đòi hỏi tất cả cơ quan, ban ngành cùng phối hợp chặt chẽ đồng bộ tránh tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược có như thế thì sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng mới thực sự có hiệu quả trên toàn quốc.

 

Anh Đinh Nam Toan và trang trại heo rừng tại xã Châu Pha – huyện Tân Thành

Để góp phần có được thành tựu trên về việc tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm; các cán bộ chuyên môn phải là người luôn tiếp cận với tầng lớp nông dân, chúng ta phải có trách nhiệm tác động dẫn dắt người dân đi theo đường lối đúng đắn của Đảng và nhà nước ban hành. Từ những nhận thức trên, Trung tâm đã chỉ đạo các cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con chăn nuôi theo qui trình an toàn và hiệu quả. Trung tâm xin giới thiệu một mô hình điển hình chăn nuôi heo rừng theo công nghệ sinh học có hiệu quả kinh tế cao.

Chúng tôi đến xã Châu Pha – huyện Tân Thành cách Thành phố Bà Rịa khoảng 5 km nơi miền quê sỏi đá có bao nhiêu người lao động đang hàng ngày, hàng giờ “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mải mê với công việc chăn nuôi, trồng trọt tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao cung ứng ra thị trường. Khi tiếp cận anh Đinh Nam Toan – người nông dân trãi qua bao nhọc nhằn, khốn khó, sự kiên trì đam mê học hỏi để có được thành quả như hôm nay. Anh Toan là một trong số hộ chăn nuôi heo rừng áp dụng công nghệ sinh học vào chăn nuôi heo có hiệu quả và có nguồn thu nhập cao.

Anh Toan dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quanh khu chuồng heo và khu trồng rau muống quanh nhà để dành riêng cho đàn heo rừng. Khi tôi trò chuyện và hỏi thăm về chăn nuôi heo rừng Anh tâm sự: “Tôi nuôi heo rừng đã lâu nhưng cũng trải qua nhiều thất bại thăng trầm có những lúc tưởng chừng như bế tắc, nhưng rồi sự đam mê nghề thôi thúc tôi không từ bỏ mà quyết tâm làm tiếp”.

Qua trao đổi được biết trong quá trình nuôi có nhiều vấn đề xảy ra như heo mẹ lên giống chậm, phối giống nhiều lần không đậu, heo con sinh ra bị tiêu chảy, chậm lớn, …. Nhờ sự tìm tòi, học hỏi qua các phương tiện thông tin đại chúng đặt biệt là nhờ tư vấn từ các cán bộ Khuyến Nông tỉnh và huyện, anh tìm hiểu mục đích của chăn nuôi heo rừng là phải an toàn cho cộng đồng, môi trường sinh thái tốt, sản phẩm sạch, chất lượng cho người tiêu dùng. Vì thế anh quyết định làm chuồng trại kiên cố sử dụng đệm lót Balasa-01 làm chất độn chuồng , cám bắp trộn và ủ men hoạt tính cho ăn. Đồng thời cho ăn rau xanh với lượng thức ăn tinh bột thấp chủ yếu là chất xơ. Qua nhiều lần chọn lọc và loại thải đến nay, gia đình anh đã có tổng đàn 5 con heo mẹ sinh sản, một năm tính bình quân đẻ ra 70 con heo thịt. Sau thời gian nuôi 6 tháng trọng lượng bình quân 40 kg/con, giá bán trung bình 120.000đ/kg. Sau khi trừ hết chi phí lợi nhuận khoảng 168 triệu đồng/lứa (70 con).

Anh Toan cho biết thêm, để nuôi heo rừng đạt lợi nhuận cao đầu tiên là con giống tốt, chăm sóc nuôi dưỡng đúng kỹ thuật, tiêm phòng đầy đủ các loại vaccin phòng bệnh đặc biệt là sử dụng đệm lót balasa-01 làm chất độn chuồng để giảm thiểu mùi hôi ngoài ra còn giảm bệnh đường ruột trên heo rõ rệt. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật sử dụng men Balasa- 01 chất độn chuồng, men hoạt tính sinh học trong chăn nuôi không chỉ đảm bảo sức khỏe vật nuôi và cộng đồng mà còn giảm được chi phí trong chăn nuôi, tăng lợi nhuận tạo sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng.

Nguyễn Thị Hảo – TT Khuyến nông – Khuyến ngư

Search